1. Alexandre Dumas (1802-1870)
Alexandre Dumas là tác gia vĩ đại của nền văn chương lãng mạn Pháp vào thế kỷ XIX. Ông nổi tiếng với vai trò tiểu thuyết gia, nhà soạn kịch, nhà văn du ký.
Alexandre Dumas sinh ngày 24 tháng 7 năm 1802, gần Soissons, Pháp. Ông là con trai của một vị tướng người Creole của quân đội Cách mạng Pháp. Ông nội của Dumas xuất thân từ một gia đình quý tộc, còn bà nội của ông lại có xuất thân nô lệ da đen. Vì vậy, có thể nói, trong Alexandre Dumas là sự pha trộn giữa quý tộc và thường dân, giữa kỷ luật và phóng túng. Điều này cũng thể hiện rất rõ trong các sáng tác của ông.
Cha của Dumas qua đời khi ông bốn tuổi, lúc này, gia đình Dumas nghèo khổ hơn. Ban đầu, Dumas không đi theo nghiệp viết. Do chữ đẹp nên ông đi làm nhân viên công chứng. Về sau, ông bắt đầu viết nhạc kịch hài hước và hợp tác viết kịch cùng những người khác. Chủ đề lịch sử được Dumas quan tâm ngay từ đầu.
Các vở kịch thành công khiến cho Dumas kiếm được kha khá tiền, song ông cũng liên tục vỡ nợ vì tiêu pha phung phí cho phụ nữ và lối sống xa hoa của mình, thế nên ít khi Dumas được sống trong cảnh sung sướng lâu dài. Tính cách này của ông vẫn không hề thay đổi khi về già và khi có những tác phẩm nổi tiếng trên toàn nước Pháp. Các nhà nghiên cứu sau này đã tìm thấy bằng chứng cho việc ông có đến 40 người tình, với nhiều người con ngoài giá thú khác. Người con trai nổi tiếng nhất của ông – Alexandre Dumas con – vốn không phải con của chính thất, mà là con trai của Dumas với một cô thợ may. Nhờ sự giúp đỡ của bố, Dumas con cũng trở thành một tiểu thuyết gia và nhà viết kịch thành công.
Cùng với Victor Hugo, Charles Baudelaire, Gérard de Nerval, Eugène Delacroix và Honoré de Balzac, Dumas là một thành viên của Câu lạc bộ Hashischins, một câu lạc bộ giải trí mà các thành viên có thể trải nghiệm cần sa và các chất gây nghiện khác khi tham gia. Dumas đến câu lạc bộ hàng tháng để dùng hashish (một loại cần sa chế biến từ cây dầu gai) tại một khách sạn ở Paris.
Sau khi đạt thành công trong kịch nghệ, Dumas chuyển sang viết tiểu thuyết. Cuốn tiểu thuyết nổi tiếng đầu tiên “Le Capitaine Paul” được Dumas viết năm 1838, là chuyển thể từ vở kịch cùng tên của chính ông.
Những cuốn tiểu thuyết nổi tiếng nhất của Alexandre Dumas bao gồm “Bá tước Monte Cristo”, “Ba chàng lính ngự lâm”, “Hai mươi năm sau”,…
Bên cạnh kịch và tiểu thuyết, Dumas cũng viết du ký và sách du lịch. Dumas viết sách du lịch và du ký nhiều khi không phải vì niềm vui thích hay sự hứng thú với đi du lịch, ăn chơi, mà vì ông bị cấm đoán trong suốt thời gian Louis-Napoléon Bonaparte lên làm tổng thống Pháp (1848-1870). Suốt thời gian bị cấm đó, đồng thời để chạy trốn các chủ nợ, Dumas phiêu lưu khắp nơi, từ Bỉ đến Nga (ông dành hai năm ở Nga và đến thăm St. Petersburg, Moscow, Kazan, Astrakhan và Tbilisi, trước khi rời đi để tìm kiếm những cuộc phiêu lưu khác nhau.), đến Ý và tham gia phong trào Thống nhất nước Ý (il Risorgimento). Trong suốt thời gian này, Dumas đã xuất bản sách du lịch về Nga, Ý, và kiếm được kha khá tiền để sống sót nhờ viết sách du lịch.
Như vậy, Dumas viết rất nhiều thể loại, thống kê cho thấy các tác phẩm đã xuất bản của ông lên đến 100.000 trang. Tuy nhiên, mặc dù có nền tảng quý tộc và tài năng cá nhân, có thành công được nhiều người biết đến, song Dumas vẫn phải đối mặt với nạn phân biệt đối xử liên quan đến việc tổ tiên ông là nô lệ da đen. Phản ứng của Dumas khi có người xúc phạm dòng giống tổ tiên châu Phi của ông thể hiện rất rõ qua câu nói:
Cha tôi là loài lai tạp, ông tôi là một thằng da đen, và cụ tôi thì là một con khỉ. Ngài thấy đấy, gia đình tôi khởi đầu ở nơi cả nhà ngài kết thúc.
(My father was a mulatto, my grandfather was a Negro, and my great-grandfather a monkey. You see, Sir, my family starts where yours ends.)
Như vậy, có thể nói, Alexandre Dumas có một cuộc đời khá phóng khoáng và thống khoái. Ông có tư tưởng chính trị và cách đấu tranh riêng, cũng có cách sống riêng của mình. Cuộc đời ông gắn liền với nghề viết. Dumas viết không chỉ để kể lại câu chuyện, để rèn luyện ngòi bút, để nổi tiếng, mà còn là để kiếm tiền ăn chơi và trả nợ. (Tất nhiên, chất lượng của các tác phẩm viết để trả nợ không thể sánh được với những tác phẩm nghiêm túc của Dumas.) Và vì đã sống một đời phóng túng đầy phiêu lưu mạo hiểm, nên đến cuối đời, ông cũng không tích lũy được nhiều tiền. Alexandre Dumas chết trong nghèo đói vào ngày 5 tháng 12 năm 1870.
Cho đến nay, các tác phẩm của Alexandre Dumas cha đã được dịch ra nhiều thứ tiếng, và ông là một trong những tác giả có tác phẩm được đọc nhiều nhất tại Pháp, các nhà nghiên cứu và phê bình văn chương coi ông như người đặt nền móng cho văn chương lãng mạn Pháp nói riêng, và văn chương lãng mạn trên thế giới nói chung.
2. “Những tội ác trứ danh”
“Những tội ác trứ danh” là tuyển tập truyện tội phạm dựa trên những sự kiện có thật của Alexandre Dumas.
Thời gian đầu khi mới bắt đầu chuyển sang viết tiểu thuyết, Dumas cũng biên soạn “Những tội ác trứ danh” trong ba năm từ 1839 đến 1841, với sự giúp đỡ của một số người bạn. Tuyển tập này có 17 truyện, bao gồm cả những truyện ngắn và các truyện dài, kể lại chi tiết những tội ác diễn ra trong suốt 5 thế kỷ từ thế kỷ XIV đến thế kỷ XIX, trên cả Pháp, Nga, Netherlands, Đức, Ý,…
Bạn đọc sẽ được đọc về tội loạn luân tàn nhẫn và vụ án con giết cha nổi tiếng của gia đình Cenci (1598); vụ ám sát tàn nhẫn nữ hầu tước de Ganges do hai tên anh chồng là linh mục và hiệp sĩ gây ra (1657); những tội lỗi và hành vi vô đạo đức, vô pháp của gia đình Borgia quyền thế, đầy mưu mô và bạo lực; theo dõi hành trình chạy trốn, bị cấp dưới phản bội, và cuối cùng là án tử hình của thống chế Joachim Murat – em rể của Napoléon Bonaparte – dưới tay của kẻ thù là Ferdinand IV 1815 – 1825, vua mới của xứ Naples;…
Sẽ là quá tải nếu tóm tắt tất cả nội dung của 18 truyện “Những tội ác trứ danh”. Vậy nên, trong phạm vi bài viết, tôi sẽ chỉ đề cập đến các điểm chính của tập truyện, và dành phần trải nghiệm thú vị nhất cho người đọc.
“Những tội ác trứ danh” là tuyển tập mô tả tỉ mỉ, chi tiết bậc nhất về tội ác: động cơ của tội phạm, những âm mưu, hành động dẫn dắt; các đồng phạm và nhân chứng; cách nạn nhân sa bẫy, chống trả và chết; những manh mối khi điều tra; phán xử của tòa án. Dumas đã không tiếc ngôn từ của mình để mô tả những cảnh tượng bạo lực, những hình thức tra tấn ép cung, những cách thức giết người rùng rợn đã được thực hiện trên thực tế. Toàn bộ “Những tội ác trứ danh” có thể coi là một tập hồ sơ tội phạm kỹ lưỡng nhất, xứng đáng là đóng góp lớn cho ngành tội phạm học và tâm lý tội phạm sau này.
Tuy nhiên, nếu chỉ đơn thuần là hồ sơ tội phạm, thì có lẽ “Những tội ác trứ danh” sẽ không nổi tiếng đến vậy. Các câu chuyện được Dumas biên soạn lại, kể lại bằng giọng điệu và kết cấu của riêng ông. Đọc “Những tội ác trứ danh”, bạn đọc chắc chắn sẽ không cảm thấy khô khan hay nhàm chán, cũng không hề cảm thấy toàn bộ là bạo lực và giết chóc. Có thể coi “Những tội ác trứ danh” là sáng tạo của Dumas dựa trên những chất liệu thực tế. Ông dẫn dắt độc giả vào từng câu chuyện riêng, lúc thì giới thiệu các nhân vật ngay từ đầu, lúc thì đi từ cái chết của nạn nhân để lật ngược về quá khứ, lúc lại mô tả quang cảnh rộng lớn của một vùng đất nào đó trước rồi dần dần thu hẹp vào con người… Các câu chuyện của Dumas vì thế mà trở nên hấp dẫn hơn, li kỳ hơn, đậm chất văn chương hơn.
Cách dùng ngôi thứ ba của Dumas khiến cho người đọc trở thành chúa tể của mỗi câu chuyện. “Vị chúa” nào cũng biết trước kết cục, nhưng lại cần gã đàn ông vui tính và phóng túng tên Dumas dắt đi, dò dẫm từng bước, từng bước, qua từng trang sách, vì cái hay của những câu chuyện về tội ác không phải ở kết quả, mà là ở hành trình: từ hành trình gây án cho đến hành trình phá án và chịu tội của kẻ thủ ác. Và dù có những câu chuyện bạo lực, kinh dị, dưới ngòi bút của Dumas, vẫn có thể coi “Những tội ác trứ danh” là tác phẩm tiêu biểu cho chủ nghĩa lãng mạn u ám qua những ám ảnh rùng rợn, những mô tả chi tiết, cận cảnh về cái chết mà nó bày ra cho người đọc.
Tất cả những yếu tố trên khiến “Những tội ác trứ danh” trở thành một trong những tác phẩm tiên phong cho thể loại văn học kinh dị giật gân, tội phạm. Cùng với Mary Shelley, Edgar Allan Poe, Robert Louis Stevenson,… Alexandre Dumas với “Những tội ác trứ danh” đã đem lại những đóng góp quan trọng cho thể loại văn học thách thức tâm lý người đọc này.
Có một điều cần lưu ý, đó là: Khi “làm quen” với Dumas qua “Những tội ác trứ danh”, độc giả cần ghi nhớ rằng đây chưa phải Dumas lão luyện khi viết “Bá tước Monte Cristo” hay “Ba chàng lính ngự lâm”, mà mới đang là một kịch gia đang tập tành viết tiểu thuyết. Tuy nhiên, tài năng kể truyện và dẫn dắt người đọc bằng câu chữ của Dumas đã được thể hiện rõ nét ở ngay những năm 1839-1841 này.
Trên thực tế, Dumas đã viết “Những tội ác trứ danh” trước khi ra mắt loạt tiểu thuyết phiêu lưu lịch sử tuyệt vời của ông (“Bá tước Monte Cristo” được hoàn thành vào năm 1844, “Ba chàng lính ngự lâm” được viết chỉ trong 4 tháng – từ tháng 3 đến tháng 7 năm 1844). Như vậy, có thể coi “Những tội ác trứ danh” chính là cuốn sách đặt nền móng cho những tác phẩm trong tương lai của Alexandre Dumas. Trong tuyển tập này, ông đã đúc rút được nhiều kiến thức sâu rộng về các quốc gia và các nền văn hóa khác nhau trên thế giới, đồng thời những câu truyện lịch sử ấy cũng giúp Dumas hiểu thêm về cơ chế hành động, đặc điểm tâm lý của nhiều kiểu người trong xã hội, từ quý tộc cho đến kẻ hầu, từ người trong quân đội cho đến người thường, phụ nữ, đàn ông, giám mục, trẻ nhỏ, hoàng thân quốc thích,… Cùng với kinh nghiệm sống phong phú của mình, chỉ 3 năm sau (1844), Dumas đã công bố với người đọc những bộ tiểu thuyết đồ sộ nhất, hấp dẫn nhất, phiêu lưu nhất, lãng mạn nhất của mình.
Ở Việt Nam, cho đến nay, vẫn chưa có một bản dịch đầy đủ nào của “Những tội ác trứ danh”. Bản dịch phổ biến nhất hiện nay do NXB Văn Học ấn hành vào năm 2003, do Mai Thế Sang dịch. Tuy nhiên, bản dịch cũng chỉ có 6/18 truyện. Các bản ebook tiếng Việt hiện có trên Internet cũng từ bản dịch này ra. Do vậy, nếu muốn đọc toàn bộ “Những tội ác trứ danh”, bạn đọc sẽ phải đọc bằng tiếng Anh hoặc đọc nguyên gốc tiếng Pháp. (Đọc bản tiếng Anh tại đây).
Qua tìm hiểu về cuộc đời của Alexandre Dumas và tuyển tập “Những tội ác trứ danh” có thể thấy Dumas là một văn hào đặc biệt: Ông có cuộc đời tự do, thống khoái. Cái lãng mạn của Dumas không phải là xa rời thực tế, chạy trốn hiện thực, đau khổ với hiện thực rồi khát khao vượt thoát, mà là chấp nhận hiện thực và coi hiện thực (dù khắc nghiệt đến đâu) là một cuộc phiêu lưu. Cuộc phiêu lưu ấy có lúc khó khăn thử thách, nhưng cũng có lúc vui vẻ sảng khoái. Trong cuộc đời mình, Dumas sống và viết, ăn chơi và trả nợ, phiêu lưu và chết. Tác phẩm của ông, dù u ám hay bay bổng, thì đều thể hiện rất rõ tinh thần phiêu lưu. Tinh thần phiêu lưu ấy, nếu không phải là một người dám mạo hiểm, dám sống hết mình, dám tự do, thì sẽ không thể nào có được.
Nguyễn Hoàng Dương